Hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

BCH HND TỈNH HÀ NAM

*

­­­­­­Số: 21 - HD/HNDT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc       

                   

                     Hà Nam, ngày 04  tháng 3 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020;

mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021

 

Thực hiện Hướng dẫn số 11- HD/BTGTU ngày 23/02/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021”. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn các cấp Hội Nông dân tuyên truyền như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 

- Thông qua tuyên truyền những thành tựu ấn tượng đạt được năm 2020, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự nỗ lực của hệ thống chính trị và Nhân dân triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ. 

- Tuyên truyền những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả, các cơ chế, chính sách phù hợp để chuyển hóa cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao nội lực và sức cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế nước ta trong năm 2021, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về sự chỉ đạo của Đảng, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025).

- Bồi đắp niềm tin, khí thế mới cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, niềm tự hào của dân tộc, năm đầu thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục đổi mới, hành động quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh có nhiều thách thức và cơ hội đan xen và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 còn tiếp tục tác động tiêu cực.

- Công tác tuyên truyền kinh tế-xã hội cần bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là các lộ trình, giai đoạn về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của tỉnh, các địa phương, đơn vị; chủ động đấu tranh chống lại các quan điểm, thông tin xuyên tạc, sai trái chống phá từ các thế lực thù địch, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Kết quả phát triển KT-XH năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 

- Khẳng định kết quả toàn diện và ấn tượng năm 2020 trên một số lĩnh vực chủ yếu sau: Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Đảng và Nhà nước đã kịp thời đưa ra các gải pháp trọng tâm, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như: Kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội; kinh tế tăng trưởng dương (GDP đạt 2,91%), kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, an ninh lương thực được giữ vững, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng dưới 4%, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 4,8%, thương mại điện tử phát triển mạnh…xã hội ổn định, đời sống nhân dân được đảm bảo trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm. Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới; kịp thời cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với tình hình mới, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với Nhân dân, doanh nghiệp, trong đó Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 gồm 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là xử lý nghiêm tội phạm về tham nhũng được dư luận Nhân dân đánh giá cao. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được thực hiện tốt, Việt Nam phát huy được vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc và tăng cường đối ngoại với các nước trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh, khẳng định vị thế, ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam.

- Nêu bật được kết quả thực hiện năm 2020 của tỉnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản vẫn giữ được ổn định và phát triển. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng trưởng 7,02% so với năm 2019. GRDP bình quân đầu người cả năm đạt 69,7 triệu đồng tăng 8,6% so với năm 2019, bằng 96,9% kế hoạch.

+ Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 8.101,8 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ, bằng 100,1% kế hoạch, vượt kế hoạch. Tiếp tục thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất; các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao; các mô hình tích tụ, liên kết sản xuất nông sản sạch, hàng hóa. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Chăn nuôi được duy trì ổn định, tập trung tái đàn lợn do dịch tả lợn Châu Phi cơ bản đã được ngăn chặn, khống chế. Tiếp tục phát triển chăn nuôi bò sữa, bò sinh sản, bò thịt. Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, Đề án Phát triển sản xuất các khu nuôi trồng thủy sản tập trung tỉnh Hà Nam năm 2020, Đề án xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ cao “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết năm 2020…Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Huyện Bình Lục, huyện Lý Nhân được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay, toàn tỉnh có 6/6 huyện, thành phố, thị xã và 83/83 xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; tiếp tục triển khai đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020.

+ Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 134.012,9 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2019, không đạt kế hoạch. Thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm thực hiện, từ đầu năm đến ngày 31/12/2020, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đạt 798,6 triệu USD và 22.469,5 tỷ đồng; trong đó đã thu hút mới được 74 dự án đầu tư (32 dự án FDI và 42 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 570,9 triệu USD và 21.041,3 tỷ đồng; điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư cho 61 dự án (36 dự án FDI và 25 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư là 227,7 triệu USD và 1.428,2 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh có 1.027 dự án đầu tư còn hiệu lực (327 dự án FDI và 700 dự án trong nước) với vốn đăng ký 4.337 triệu USD và 139.048,9 tỷ đồng. Quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; rà soát tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp, tình hình phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, có 640 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 12.290 tỷ đồng, 270 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động, 63 doanh nghiệp giải thể; có 53 dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

+ Thu cân đối ngân sách Nhà nước cả năm đạt 10.784,2 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019 và đạt 118% dự toán Trung ương, 116% dự toán địa phương, vượt kế hoạch. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch. Thu hút đầu tư, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

+ Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện cả năm đạt 34.636,4 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2019. Đẩy mạnh quản lý trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và trật tự đô thị. Hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng và triển khai Kế hoạch xây dựng huyện Kim Bảng là đô thị loại IV, tiến tới thành lập thị xã. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2030; rà soát quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc.

+ Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025; đẩy nhanh tiến độ GPMB, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm: Dự án Đường nối từ chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính, dự án Hạ tầng khu du lịch Tam Chúc, dự án phát triển đô thị Phủ Lý sử dụng vốn vay WB, các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh...

+ Văn hoá xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực. Năm 2020, giải quyết việc làm mới cho 23.338 lao động; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,84%, giảm 0,54% so với năm 2019; Tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế đạt 90%, tăng 3% so với năm 2019. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống Nhân dân ổn định;công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng.

- Làm rõ tồn tại, hạn chế cần khắc phục và khó khăn, thách thức trong thời gian tới, đó là:

+ Nền kinh tế trong nước bị tác động từ dịch bệnh Covid-19, giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế, một số công trình trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, cơ cấu lại nền kinh tế chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước còn chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Việc sắp xếp tinh gọn, hiệu quả bộ máy của một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt. Tình hình an ninh, trật tự xã hội của một số địa phương còn diễn biến phức tạp. Ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ còn bị động. Tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến khó lường, tiềm ẩn những nguy cơ suy giảm về kinh tế, việc làm trên toàn cầu từ dịch bệnh Covid-19; xu hướng bảo hộ, cạnh trạnh chiến lược giữa các quốc gia lớn, nền kinh tế lớn diễn ra phức tạp, đối mặt với những thách thức mới và bất bình đẳng.

+ Trên địa bàn tỉnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn những tồn tại, hạn chế như: Hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của năm 2020 không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, nhất là giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, khách du lịch. Một số doanh nghiệp tiến độ đầu tư chậm, hiệu quả hoạt động thấp, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tăng cao so với cùng kỳ. Giải phóng mặt bằng, thi công một số dự án còn khó khăn, tiến độ giải ngân một số dự án còn chậm so với kế hoạch bố trí vốn. Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo, ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa hiệu quả, thời gian giải quyết còn để kéo dài. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

- Tuyên truyền mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021: thể hiện trong Kết luận 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về “Chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid -19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước”; Kết luận số 91-KL/TW ngày 22/10/2020 của Hội nghị Trung ương lần thứ 13 khóa XII về “Tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021”; Nghị quyết 124/2020/QH14 ngày 11/11/2020 của Quốc hội, được cụ thể hóa thành 11 nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.

- Tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 01- NQ/TU ngày 07/12/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Nam về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021với 3 mục tiêu tổng quát; 17 chỉ tiêu chủ yếu; 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu.

2. Tiếp tục tuyên truyền nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế-xã hội.

- Tuyên truyền nghị quyết, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bám sát tình hình thực tiễn và ban hành, chỉ đạo thông qua các kết luận, như: Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về “Chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid -19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước”; Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

 

- Tuyên truyền các nghị quyết, bộ luật mới của Quốc hội ban hành và các bộ luật đến thời điểm thực hiện; tuyên truyền kết quả kỳ họp lần thứ 9, lần thứ 10 của Quốc hội khóa 14, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13/11/2020 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; Nghị quyết số 105/2020/QG14  ngày 9/6/2020 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

- Tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, chính sách mới của Chính phủ: Tuyên truyền Nghị quyết số 01/NQ - CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ - CP ngày 01/01/2021  của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 128/NQ - CP, ngày 11/9/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; Nghị quyết số 161/NQ - CP, ngày 29/10/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

- Tuyên truyền những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để tạo bứt phá phát triển nhanh và bền vững đất nước trong những năm tới. Tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, như: Giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, công tác phòng chống thiên tai, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh, ATTP; tập trung thông tin cảnh báo về an toàn giao thông, hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, nạn cờ bạc, mê tín dị đoan…

3. Công tác điều hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật về kinh tế-xã hội

- Tuyên tuyền công tác chỉ đạo, điều hành, phương châm hành động của  Chính phủ năm 2021 “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” và 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2021.

- Tập trung phản ánh công tác chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

- Tuyên truyền chương trình hành động của các cấp, các ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong đổi mới, quyết liệt hành động, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam để thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT - XH, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

 

4. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế

- Tuyên truyền chủ trương, đường lối, nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng tiêp tục tuyên truyền Chỉ thị 32-CT/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới”; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Tuyên truyền kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 và vai trò Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021).

- Tập trung tuyên truyền các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững mội trường hòa bình, ổn định để tạo thuận lợi cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, nhất là quảng bá hình ảnh, danh lam thắng cảnh của Việt Nam ra thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân.

- Tuyên truyền những thành tựu, kết quả trong hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, tham gia hiệu quả các liên kết kinh tế quốc tế nhằm đa dạng hóa thị trường, đối tác…để phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới.

- Thông tin giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Hà Nam với các tỉnh, thành phố tron gn]ơcs và quốc tế, các hoạt động triển lãm, xúc tiến đầu tư, các cuộc tiếp xúc, trao đổi về kinh tế, văn hóa với các tổ chức nước ngoài.

5. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đấu tranh với tội phạm trên lĩnh vực kinh tế - xã hội; tuyên truyền công tác chỉ đạo phát hiện và xử lý tham nhũng; phòng, chống, trấn áp các loại tội phạm về kinh tế, những kết quả để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội; chủ động đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội đi ngược lại lợi ích chung của đất nước.

6. Đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước và các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh, đặc biệt Đại hội XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; coi trọng tuyên truyền, cổ vũ những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, vượt khó để vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, tạo sự lan tỏa tích cực, khơi dậy khát vọng, lòng yêu nước, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

1. Các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan truyền thông “Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021, sử dụng linh hoạt các loại hình tuyên truyền cho phù hợp với tình hình của địa phương như: Tổ chức các Hội nghị, sinh hoạt chi, tổ Hội để phổ biến, quán triệt, thông tin đến cán bộ, hội viên, nông dân, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cấp Hội.

2. Phối hợp tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, hội nghị sinh hoạt của chi, tổ Hội; chú trọng tuyên truyền cho đối tượng là cán bộ, hội viên, nông dân. Cung cấp tư liệu để tuyên truyền cho các báo, Đài Trung ương, Đài PTTH tỉnh, đài truyền thanh địa phương.

3. Viết tin, bài đăng tải trên Cuốn Bản tin “Nông dân Hà Nam” và Trang Thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh; tuyên truyền rộng rãi, biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương hội viên, nông dân điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển KT - XH.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội Nông dân tỉnh:

- Xây dựng Hướng dẫn “Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 ”.

- Giao cho Ban Xây dựng hội Hội Nông dân tỉnh là đơn vị thường trực, tham mưu, đôn đốc Hội Nông dân các cấp thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền.

- Các ban, Văn phòng, đơn vị thuộc Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Xây dựng hội thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền theo Hướng dẫn đảm bảo hiệu quả.

2. Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Trên cơ sở Hướng dẫn của Hội Nông dân tỉnh, chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai thực hiện tới các cấp Hội trên địa bàn.

- Tuyên truyền, vận động phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tham gia vào các chương trình phát triển KT - XH năm 2021 và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026

- Tích cực thực hiện tốt công tác dân vận, quy chế dân chủ cơ sở và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2021 theo chức năng, nhiệm vụ của Hội.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh yêu cầu các ban, đơn vị thuộc Hội Nông dân tỉnh; Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 Nơi nhận:

- Ban Tuyên giáo Trung ương HND VN;

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;

- Thường trực HND tỉnh;

- Các ban, đơn vị thuộc HND tỉnh;

- HND các huyện, thị xã, thành phố;

- Lưu: VP, Ban XDH.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

(Đã ký)

 

 

 

Tống Văn Tam

 

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập