Kế hoạch Tổ chức đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

   BCH HND TỈNH HÀ NAM

*

Số 129 - KH/HNDT

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 



            Hà Nam, ngày 30 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

Tổ chức đại hội Hội Nông dân các cấp Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028

-----

Căn cứ Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về lãnh đạo Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028"; Thông tri số 07-TT/TU ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam về lãnh đạo Đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028;

Thực hiện Kế hoạch số 513-KH/HNDTW, ngày 21/9/2022 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028;

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hà Nam xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại  hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đại hội Hội Nông dân các cấp, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của các cấp Hội và giai cấp nông dân trong tỉnh, nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết Đại hội trong nhiệm kỳ qua; bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX; xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong thời kỳ mới.

2. Thông qua Đại hội, nâng cao nhận thức, tăng cường đoàn kết, khơi dậy tiềm năng, khát vọng và sức sáng tạo, trí tuệ của cán bộ, hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam; đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, mô hình tổ chức của Hội, xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX.  

3. Công tác nhân sự nhiệm kỳ 2023-2028 phải thực hiện đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, chú trọng cán bộ trưởng thành từ thực tiễn phong trào nông dân, từ cơ sở; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thực sự trong sạch, có năng lực lãnh đạo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, gồm những đồng chí tiêu biểu, đại diện cho trí tuệ của tổ chức Hội, có khả năng đóng góp vào sự thành công của Đại hội.

4. Việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Hội Nông dân các cấp phải nghiêm túc, trang trọng, đúng tiến độ, coi trọng chất lượng, bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, không phô trương hình thức; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và cán bộ Hội các cấp trước Đại hội và phong trào nông dân địa phương.

II. NỘI DUNG CỦA ĐẠI HỘI

- Tổng kết thực hiện nghị quyết của đại hội nhiệm kỳ qua; thảo luận, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ tới.

- Kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ.

- Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội cấp trên theo hướng dẫn của  Hội cấp trên trực tiếp. Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam.

- Quyết định số lượng, cơ cấu nhân sự và bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023-2028.

- Bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân cấp trên trực tiếp.

III. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI

1. Về chuẩn bị các dự thảo văn kiện đại hội

Văn kiện của Ban Chấp hành trình đại hội gồm: Báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ và dự thảo Nghị quyết Đại hội.

- Báo cáo chính trị

+ Đánh giá đúng thực trạng tình hình hoạt động của Hội trong 5 năm qua; khẳng định những đóng góp của giai cấp nông dân; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân nhiệm kỳ 2018-2023; chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.

+ Phương hướng, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2023-2028: Xác định thời cơ và thách thức trong 5 năm tới; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX; căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân để đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, nhằm đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng chủ động, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.

- Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành

Cần đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, xây dựng; căn cứ chương trình công tác toàn khoá và quy chế hoạt động của Ban Chấp hành để đánh giá đúng, khách quan, trung thực kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; trách nhiệm của các uỷ viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm, hạn chế và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân; đề ra biện pháp và lộ trình khắc phục, gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Dự thảo Nghị quyết Đại hội

Trên cơ sở báo cáo chính trị, Ban Chấp hành các cấp xây dựng dự thảo Nghị quyết  Đại hội gồm những nội dung cơ bản, quan trọng, thể hiện rõ phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể để Đại hội thảo luận, quyết định.

2. Thảo luận các dự thảo văn kiện của Đại hội

- Đối với Hội Nông dân cấp tỉnh: Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp tỉnh chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp huyện tổ chức hội nghị Ban Chấp hành cấp huyện mở rộng để xin ý kiến đối với dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (Báo cáo chính trị và Điều lệ Hội bổ sung, sửa đổi). Sau hội nghị, Hội Nông dân cấp huyện báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp gửi về Hội Nông dân cấp tỉnh. Tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh, tập trung thảo luận báo cáo chính trị của đơn vị; đồng thời, xin ý kiến về báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, sau đó tổng hợp ý kiến gửi về Ban Thường vụ Trung ương Hội. 

- Đối với Hội Nông dân cấp huyện: Tổ chức hội nghị Ban Chấp hành cấp huyện mở rộng để xin ý kiến đối với dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc. Tại Đại hội cấp huyện, tập trung thảo luận Báo cáo chính trị của đơn vị; đồng thời tổ chức thảo luận góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội cấp tỉnh (có thể tổ chức thảo luận báo cáo chính trị Đại hội cấp tỉnh trước Đại hội như đối với văn kiện Đại hội toàn quốc).

- Đối với Hội Nông dân cấp xã: Tại Đại hội, tập trung thảo luận Báo cáo chính trị của đơn vị; đồng thời thảo luận góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội cấp huyện (cũng có thể tổ chức thảo luận trước rồi báo cáo tại Đại hội, sau đó tổng hợp ý kiến gửi Đại hội cấp huyện).

3. Về chuẩn bị nhân sự và tiến hành bầu cử cơ quan lãnh đạo Hội Nông dân các cấp

3.1. Yêu cầu

- Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cơ quan lãnh đạo Hội Nông dân các cấp phải bám sát quy định của Đảng, Nhà nước; thực hiện đúng Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, quy chế, quy định hướng dẫn của cấp trên về công tác cán bộ; phải đảm bảo dân chủ, công khai.

- Tiến hành công tác nhân sự Ban Chấp hành phải đảm bảo quy trình công tác cán bộ, có cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa và phát triển, công tâm, khách quan trong lựa chọn; chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố điển hình, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Chú trọng cán bộ trưởng thành từ thực tiễn phong trào nông dân, từ cơ sở.

3.2. Về tiêu chuẩn

Lựa chọn, giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành các cấp căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các quy định và hướng dẫn về công tác cán bộ của tỉnh.

3.3. Về số lượng và cơ cấu

3.3.1. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành, uỷ viên Ban Thường vụ

Căn cứ địa giới hành chính, số lượng đơn vị hành chính trên địa bàn, số lượng tổ chức Hội trực thuộc và hội viên; số lượng cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên trách; số lượng các ngành liên quan và cá nhân tiêu biểu; căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, tiêu chuẩn và thực trạng đội ngũ cán bộ, đại hội quyết định số lượng uỷ viên Ban Chấp hành cấp mình, Ban Chấp hành khóa mới quyết định số lượng ủy viên Ban Thường vụ không quá 1/3 so với tổng số ủy viên Ban Chấp hành. Thực hiện giảm tối thiểu 5% số lượng ủy viên Ban Chấp hành so với nhiệm kỳ trước, cụ thể như sau:

- Đối với cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn): Số lượng ủy viên Ban Chấp hành không quá 17 đồng chí; thường trực gồm Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch.        

- Đối với cấp huyện (huyện, thị xã, thành phố): Số lượng ủy viên Ban Chấp hành không quá 29 đồng chí (đối với các huyện, thành, thị có số tổ chức cơ sở Hội đông, địa bàn rộng, số lượng ủy viên Ban Chấp hành tối đa không quá 33 đồng chí khi được sự đồng ý bằng văn bản của Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp và Ban Thường vụ tỉnh Hội). Thường trực gồm Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch.

- Đối với cấp tỉnh: Số lượng ủy viên Ban Chấp hành không quá 43 đồng chí. Thường trực gồm Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch.

3.3.2. Về cơ cấu

Trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Hội Nông dân ở mỗi cấp cần có cơ cấu hợp lý để lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị của Hội, đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Về cơ cấu Ban Chấp hành gồm:

- Cơ cấu cơ quan chuyên trách Hội.

- Cơ cấu tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp.

- Đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể, ngân hàng, hợp tác xã, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và mối quan hệ trực tiếp với tổ chức Hội.

- Cán bộ Hội tiêu biểu ở cơ sở (đối với cấp tỉnh, huyện).

- Các chuyên gia, nhà quản lý có uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Phấn đấu tỷ lệ ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ là nữ cấp tỉnh 25%; cấp huyện, cơ sở 20% trở lên. Phấn đấu trong Thường trực Hội Nông dân tỉnh có cán bộ nữ.

- Đối với vùng đồng bào có đạo nên có ủy viên Ban Chấp hành là người có đạo phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.       

3.4. Về độ tuổi 

Cần có 3 độ tuổi (dưới 40 tuổi; 40 - 50 tuổi; trên 50 tuổi) để đảm bảo tính kế thừa và phát triển.

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, ngày 18/11/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu, Hướng dẫn số 06- HD/ BTCTW ngày 26/7/2021 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung về độ tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

- Độ tuổi quy định giới thiệu ứng cử lần đầu và tái cử Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp như sau:

+ Các đồng chí lần đầu tham gia Ban Chấp hành phải đủ thời gian công tác ít nhất trọn một nhiệm kỳ (60 tháng) tại thời điểm Đại hội.

+ Những đồng chí được giới thiệu tái cử vào Ban Chấp hành khóa mới nói chung phải đủ tuổi công tác trọn nhiệm kỳ, ít nhất cũng phải đủ tuổi công tác 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) tính từ thời điểm Đại hội. Trường hợp đặc biệt, đối với các đồng chí cán bộ chủ chốt của Hội (Chủ tịch, Phó Chủ tịch) phải được sự đồng ý của cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp có ý kiến bằng văn bản, nhưng cũng phải đủ tuổi công tác ít nhất 2 năm (24 tháng) tính từ thời điểm Đại hội.

- Nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch các cấp phải được cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp phê duyệt.

4. Thành phần, số lượng đại biểu đại hội và bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên

4.1. Thành phần đại biểu chính thức của đại hội

- Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm cùng cấp.

- Đại biểu do đại hội cấp dưới bầu theo phân bổ.

- Đại biểu chỉ định (không quá 5% so với tổng số đại biểu chính thức).

 Trong đó, phấn đấu tỷ lệ đại biểu là nữ không dưới 20%; có cơ cấu đại biểu là người có đạo phù hợp với từng địa phương.

4.2. Số lượng đại biểu đại hội

Số lượng đại biểu dự đại hội do Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội quyết định trên cơ sở số lượng hội viên, đơn vị hành chính, số tổ chức Hội trực thuộc, điều kiện kinh tế, sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp và Hội Nông dân cấp trên trực tiếp. Số lượng đại biểu đại hội ở mỗi cấp theo định hướng như sau:

* Cấp cơ sở

- Hội cơ sở có dưới 2.000 hội viên, triệu tập không quá 100 đại biểu.

- Hội cơ sở có từ 2.000 hội viên trở lên, triệu tập không quá 120 đại biểu.

* Cấp huyện, thành, thị: Từ 150 đến 200 đại biểu.

* Cấp tỉnh: Số lượng đại biểu chính thức được triệu tập không quá 250 đại biểu.

4.3. Bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên

- Căn cứ vào số lượng hội viên, số lượng tổ chức Hội trực thuộc và vị trí đặc thù của từng tổ chức, Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội phân bổ số lượng đại biểu tham dự Đại hội cho phù hợp.

- Căn cứ phân bổ của Hội cấp trên, Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội xây dựng đề án nhân sự đoàn đại biểu đi dự Đại hội cấp trên, tiến hành các thủ tục bầu cử theo quy định của Điều lệ Hội, Quy chế bầu cử trong hệ thống Hội Nông dân và hướng dẫn của Hội cấp trên.

Ngoài số đại biểu chính thức được phân bổ để đại hội bầu, đại hội sẽ bầu một số đại biểu dự khuyết dự đại hội cấp trên để thay thế khi đại biểu chính thức vắng mặt trong suốt thời gian Đại hội cấp trên. Số lượng cụ thể do Đại hội mỗi cấp quyết định.

5. Thời gian tổ chức đại hội Hội Nông dân các cấp

Căn cứ Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thông tri số 07-TT/TU ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, Đại hội Hội Nông dân các cấp trong tỉnh sẽ diễn ra trong năm 2023. Thời gian tổ chức đại hội ở mỗi cấp như sau:

- Đại hội cấp cơ sở: Không quá 01 ngày, thời gian hoàn thành trong quý I/2023.

- Đại hội cấp huyện: Không quá 1,5 ngày, thời gian hoàn thành trong quý II/2023.

- Đại hội cấp tỉnh: Không quá 02 ngày, thời gian hoàn thành trong quý III/2023.

Trong trường hợp cần thiết, Đại hội cấp huyện có thể diễn ra sớm hơn (trong quý I), Đại hội cấp tỉnh có thể diễn ra từ cuối quý II, nhưng phải đảm bảo đã chỉ đạo tổ chức xong Đại hội của các đơn vị cấp dưới trực tiếp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội Nông dân tỉnh:

- Ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028.

- Thành lập các tiểu ban của Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028, phân công các đồng chí Thường trực, Thường vụ theo dõi, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ của các Tiểu ban.

- Xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh lần thứ X trình Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI; tổng hợp ý kiến đóng góp bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội.

- Ban hành Hướng dẫn về công tác nhân sự, nội dung, chương trình Đại hội Hội Nông dân cấp huyện, cơ sở; Hướng dẫn đề cương báo cáo tổng kết hết nhiệm kỳ cho Hội các cấp theo hướng dẫn của Trung ương Hội.

- Phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Nam lần thứ XI, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2023. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội.

- Giao Ban Xây dựng Hội, Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban, Văn phòng, Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố, có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và tham mưu việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội của các cấp đúng theo quy định, báo cáo Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh.

2. Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch này và các văn bản khác có liên quan, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện như sau:

- Các cấp Hội quán triệt Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thông tri số 07-TT/TU ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam về lãnh đạo Đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028. Triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch, Hướng dẫn của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về Đại hội Hội nông dân các cấp và Đại hội Hội Nông dân tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2023-2028 . Xây dựng Kế hoạch chỉ đạo Đại hội cấp dưới và Kế hoạch Đại hội cấp mình, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp.

- Thành lập ban tổ chức và các tiểu ban (cấp cơ sở có thể thành lập bộ phận hoặc tổ giúp việc) giúp việc chuẩn bị cho tổ chức Đại hội; phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành theo dõi, chỉ đạo việc chuẩn bị các dự thảo văn kiện và nhân sự Đại hội cấp dưới.

- Phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Nam lần thứ XI, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2023. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội.

- Các cấp Hội chuẩn bị văn kiện, phương án nhân sự, thời gian Đại hội của cấp mình báo cáo cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp, chỉ được tiến hành Đại hội khi được cấp ủy đồng ý và Hội cấp trên duyệt.

- Căn cứ Hướng dẫn của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh và điều kiện cụ thể của địa phương; Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp huyện, thị xã, thành phố chọn một cơ sở Hội ở cấp mình chỉ đạo Đại hội điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung và xin ý kiến của Ban Thường vụ huyện, thành, thị ủy.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028. Trong quá trình triển khai, có khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh (qua Ban Xây dựng Hội).

 

Nơi nhận:                                        

- Thường trực TW Hội (báo cáo);

- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);

- Văn phòng Tỉnh ủy ;

- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;

- Ban Dân vận Tỉnh ủy;

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;

- Ủy ban MTTQ tỉnh;

- Các đ/c UV BCH HND tỉnh;

- Các ban, đơn vị thuộc Hội Nông dân tỉnh;

- Các huyện, thành, thị ủy;

- Hội Nông dân các huyện, thành, thị;

- Lưu VP, Ban XDH.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

 

 

                                (Đã ký)

 

 

Tạ Văn Đạt

 

                          

 

                                                          

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập