Gương hội viên nông dân cao tuổi hăng say lao động
Có thể sống mạnh khỏe, minh mẫn đến độ tuổi gần 90 cùng
con cháu đã là hạnh phúc vô bờ bến đối với mỗi con người. Vậy mà với ông Lưu
Văn Nghiêu, sinh năm 1937, hội viên nông dân chi hội Bồng Lạng, xã Thanh
Nghị (Thanh Liêm, Hà Nam) không chỉ khỏe mạnh mà còn rất hăng say lao động, tự
chăm lo chu toàn cho bản thân mình, không phiền luỵ đến con cháu và còn tích cực
hỗ trợ thêm khi các con, các cháu cần giúp đỡ.
Sau thời gian tham gia bộ đội trở về địa phương, ông
Nghiêu đã cùng vợ bắt tay ngay vào chăm lo phát triển kinh tế gia đình và nuôi
dạy 6 người con. Những năm tháng cơ cực rồi cũng trôi qua cùng sự
trưởng thành của những người con. Khi bản thân đã ở độ tuổi cao, sức khỏe
không còn được như trước, ông đã đúc rút kinh nghiệm và nhận thấy cây chuối,
cây gấc, cây bưởi diễn là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở quê ông hơn cả, bởi
lẽ ưu điểm của các loại cây này là không phải đầu tư và chăm sóc quá nhiều,
song cây vẫn cho thu nhập tốt.
Từ đó ông đã sử dụng gần 1000m2 đất vườn để
quy hoạch trồng trên 220 gốc chuối tiêu, 20 gốc bưởi diễn, 100m2 dàn
trồng cây gấc. ông còn tận dụng trên trồng chuối, dưới trồng cây khoai sọ,
trồng cây sắn dây lấy bột. Mỗi năm cho thu nhập 700 quả gấc, 5000kg chuối,
400kg bột sắn dây, 1000kg khoai sọ, trên 2000 quả bưởi diễn... Đối với cây chuối,
ông trồng theo hàng để thuận tiện cho việc chăm bón, cắt tỉa lá. Theo ông, chuối
chín bán được giá thành cao khi thu hoạch chủ yếu ở mùa đông và dịp tết; do đó
ông đã tính toán mỗi gốc chuối ông chỉ giữ lại 1 cây chuối con làm giống. Và để
chuối ra hoa ra quả theo í muốn ông tiến hành trồng cây vào tháng 2 và tháng 3
âm lịch, ông lựa chọn trồng khi cây cao 40cm. Cây chuối được ông chăm sóc chủ yếu
bằng kali, tro bếp, phân chuồng. Ông còn cho biết bí quyết để chuối chín vàng đều,
là lưu ý khi hạ buồng, không để nhựa chảy vào quả, và khi giấm chín chỉ cần
dựng ngược bồng chuối lên, phủ lá chuối và chỉ cần đặt buồng chuối ngay tại gốc
cây là quả chuối sẽ chín vàng đều và không bị thối cuống. Ông Nghiêu chia sẻ với
cây gấc, giàn được ông làm chắc chắn, ông không tưới nước máy mà tưới chủ
yếu bằng nước mưa, nước ao, và bón thêm kali, phân chuồng.
Ngoài hăng say lao động sản xuất, ông còn có niềm
đam mê bất tận với thơ ca. Xuất phát từ tình cảm đặc biệt gửi đến Bác Hồ kính
yêu, mà ông đã tự sáng tác rất nhiều bài thơ ca ngợi Bác, ca ngợi tình yêu quê
hương đất nước.
Với tinh thần hăng say lao động của mình hội viên Lưu
Văn Nghiêu là một tấm gương điển hình về học tập và lao động, khích lệ động
viên tinh thần làm giàu vượt khó trong nông dân; bên cạnh đó bản thân cụ cũng
tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, phong trào thôn xóm ông mẫu mực là một
tấm gương nông dân tiêu biểu của xã Thanh Nghị.
Có thể thấy bên trong con người nông dân nhỏ bé ấy là cả
một tư duy tích cực, ông quan niệm lao động không chỉ để rèn luyện sức khỏe, mà
còn rèn luyện trí tuệ. với mức thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm, có
thể không đáng kể so với những hội viên nông dân trong độ tuổi lao động với những
mô hình kinh tế nông nghiệp, sản xuất kinh doanh. Song với mô hình sản xuất
nông nghiệp của ông Nghiêu đó là cả một gia tài, bởi lẽ đó là thành quả mang lại
từ sự nỗ lực, từ tình yêu lao động của một hội viên nông dân cao tuổi. Ông
không chỉ là điểm tựa vững chắc cho con cháu mà ông còn là tấm gương để con
cháu và đông đảo hội viên nông dân học tập, noi theo.
Lưu Văn
Ninh
Chủ
tịch Hội Nông dân xã Thanh Nghị
Thanh
Liêm, Hà Nam