Hiệu quả của mô hình trồng cây dược liệu của gia đình hội viên Phạm Thị Mến

Hiệu quả của mô hình trồng cây dược liệu của gia đình hội viên Phạm Thị Mến

Lập nghiệp tại vùng đồi rừng thôn Thanh Sơn, cần mẫn với bàn tay khối óc xây dựng nên một mô hình kinh tế kết hợp trồng các loại cây ăn quả với trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho gia đình và góp một phần nhỏ trong việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Đó là mô hình kinh tế của gia đình hội viên nông dân Phạm Thị Mến - thôn Thanh Sơn, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm.

Năm 2017, gia đình chị mua được 5ha đất đồi để canh tác; ban đầu chị trồng thử nghiệm nhiều loại cây nhưng đất đai ở đây khô cằn sỏi đá, nên cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Do bản thân từng là y tá, đam mê trồng các loại cây dược liệu chăm sóc sức khoẻ, nên năm 2020, sau khi tìm hiểu, chị đã lựa chọn một số cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng đưa vào trồng thử nghiệm, như: đu đủ đực lấy hoa, xương rồng tai thỏ, xương rồng của Thái lan, của Mexico, cúc chi dược liệu, huyết dụ... Sau một thời gian, các loại giống cây trồng này đã thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đồi rừng nên sinh trưởng khá tốt. Từ đó, giúp gia đình từng bước mở rộng diện tích cây trồng và thực hiện hoá ước mơ góp một phần nhỏ bé trong việc chăm sóc sức khoẻ người dân của chị. Chị cho biết: chị lựa chọn trồng các loại cây xương rồng để vừa dùng làm rau, vừa chống xói mòn đất và đặc biệt sau này làm cây ăn trái, làm trà sẽ rất có giá trị. Cùng với trồng các loại cây dược liệu, hiện nay gia đình chị đã mua thêm 1ha đất đồi và đưa vào trồng khoảng 1.500 cây mít, hơn 1.000 gốc cây đu đủ, 1000 cây vú sữa, 250 cây chùm ruột, hồng xiêm... Ngoài ra, chị còn trồng xen canh một số cây trồng khác nhằm khai thác tối đa diện tích đất. Với 6ha đất canh tác của gia đình, chị tiếp tục nhân rộng mô hình trồng xương rồng và cúc chi để "không cho đất nghỉ", với hơn 1 mẫu cúc chi. Mô hình kinh tế của chị đã giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 3-5 lao động tại địa phương, với mức thu nhập cho mỗi lao động một ngày là 200 nghìn đồng và bữa cơm trưa. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình chị  thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng.

Từ thực tế sản xuất, gia đình chị có dự định đầu tư hệ thống lò sấy để công đoạn sấy khô hoa đu đủ và cúc chi được thuận lợi, qua đó chủ động đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng. Chị Mến chia sẻ: “Khi thực hiện mô hình, cùng với sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong gia đình, chị cũng đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội Nông dân các cấp, cho vay nguồn vốn ưu đãi, chính quyền địa phương hướng dẫn thủ tục hồ sơ để xây dựng thương hiệu occop. Bên cạnh thuận lợi, còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, và khó khăn lớn nhất vẫn là khâu vận chuyển vì đường giao thông rất khó đi nhất là về mùa mưa, mong muốn là Nhà nước tạo điều kiện làm đường cho nhân dân đi lại để đẩy mạnh sản xuất”

anh tin bai

Với niềm đam mê vườn tược, cây cối nên sau bao vất vả chị vẫn rất vui vẻ và phấn khởi. Bởi chị đang dần biến ước mơ làm du lịch sinh thái vườn rừng đến gần hơn. Hiện nay, chị tiếp tục tìm hiểu trồng những loại cây độc hơn, mới hơn, lạ hơn và phù hợp với mảnh đất sỏi đá ở nơi đây, và sắp tới cây xương rồng của gia đình sẽ nở ra một rừng hoa màu vàng cam, quả màu đỏ và màu vàng mang lại giá trị dinh dưỡng và giá trị thẩm mỹ cao. Những nỗ lực của gia đình chị cuối cùng đã được ghi nhận, tháng 12/2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Ocop huyện Thanh Liêm đã đánh giá, phân hạng đối với các sản phẩm: trà lá huyết dụ, hoa đu đủ đực sấy khô, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, trà hoa cúc của gia đình chị, các sản phẩm này đều được công nhận đạt chuẩn sản phẩm ocop 3 sao cấp huyện, đã giúp các sản phẩm gia tăng giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

anh tin bai

Chị Phạm Thị Mến là một hội viên gương mẫu đi đầu và là tấm gương để các hội viên học tập và làm theo. Với sự cần cù, sáng tạo, biến điều không thể thành có thể, chị Mến đã và đang thực hiện hóa ước mơ làm giàu cho gia đình và góp phần nâng cao sức khoẻ cho mọi người trên chính mảnh đất cằn sỏi đá Thanh Sơn, Thanh Nghị, góp phần làm giàu cho gia đình, và làm giàu cho quê hương./.

 

Hội Nông dân huyện Thanh Liêm

 

 

 

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập