Hiệu quả từ mô hình “Tổ hợp tác trồng dưa chuột, dưa
bao tử”
Mô hình tổ hợp tác “Trồng cây dưa
chuột, dưa bao tử” của Hội nông dân xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân được thành lập
và ra mắt vào tháng 7/2024 với 17 thành viên. Nhận thấy đây là mô
hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với gieo cấy lúa và một số cây rau
màu khác vì theo các hộ trồng dưa chuột thì trồng dưa chuột nhanh cho thu
hoạch, năng suất khá và có thể gối nhiều vụ trong năm. Một năm trên diện tích
đất canh tác có thể trồng liên tiếp 3 - 4 vụ dưa, mỗi vụ chỉ hơn 2 tháng, thu
được hàng tấn quả/sào/vụ.
Vụ đông năm nay, các thành viên của tổ hợp tác thu hái đến đâu
được tiêu thụ thuận lợi đến đó. Đối với dưa chuột bao tử xuất khẩu, 100% sản
phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu để sơ chế, phục vụ xuất khẩu với giá ổn
định 6 - 8 nghìn đồng/kg; các loại dưa chuột khác được thương lái đến thu mua
hoặc các hộ trực tiếp bán lẻ cho người tiêu dùng với giá từ 8 đến 10 nghìn
đồng/kg. Trừ chi phí mỗi sào trồng dưa chuột cho thu lãi 5 - 7 triệu đồng/vụ.
Thời gian qua, để thuận lợi trong khâu tiêu thụ và đáp ứng nhu
cầu của người tiêu dùng, các thành viên trong tổ hợp tác đã áp dụng kỹ thuật
sản xuất an toàn thực phẩm, ưu tiên sử dụng phân chuồng hoai mục, kết hợp các
loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để chăm sóc, phòng trừ sâu
bệnh cho dưa chuột… Do đây là cây trồng có thời gian thu hoạch nhanh nên nhiều
hộ trồng dưa chuột đã năng động xuất bán kết hợp qua thương lái, bán lẻ và bán
trên các trang mạng xã hội.
Chị Nguyễn Thị Dục
ở thôn 4, xã Nhân Nghĩa (thành viên tổ hợp tác) cho biết: Gia đình tôi có hơn 5
sào chuyên trồng rau màu, trong đó cây dưa chuột được ưu tiên phần lớn diện
tích. Hiện nay ngoài việc bán cho các thương lái, tôi còn giao bán trên mạng xã
hội như: Zalo, Facebook. Mỗi vụ dưa, gia đình tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng.
(chị: Nguyễn Thị Dục – Thành viên Tổ hợp tác “trồng cây dưa chuột, dưa bao tử” xã Nhân Nghĩa).
Dưa chuột được
thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng sản xuất loại cây rau màu
này cần nhiều công lao động và chi phí từ 2 đến 3 triệu đồng/sào/vụ. Ngoài ra,
trong khi dưa chuột bao tử xuất khẩu trồng bằng giống riêng thì các giống dưa
chuột khác khi sản xuất người trồng nên lựa chọn giống sao cho phù hợp với từng
thời vụ.
Để cây dưa
chuột tiếp tục là cây rau màu mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân
trong xã, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện các
giải pháp hỗ trợ như: Tư vấn, giới thiệu các đơn vị cung ứng phân bón, thuốc
bảo vệ thực vật phù hợp với cây dưa chuột; mở các lớp chuyển giao khoa học tới
Hội viên đồng thời phối hợp với các đơn vị thu mua kí kết bao tiêu đầu ra sản
phẩm.
Cao Văn Định –
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân